Phát hiện mới về nguyên nhân mất ngủ 07/12/2012
Các nhà khoa học đã xác định loại gene biến đổi có tên là CKIdelta chính là nguyên nhân của hiện tượng mất ngủ với tên gọi khác là "hội chứng ngủ sâu theo kỳ" (FASPS). Phát hiện mới này sẽ là cơ sở để tìm ra cách điều trị mới cho hội chứng FASPS và hiện tượng mất ngủ, ngủ gật hoặc tỉnh giấc sớm do việc đi làm ca gây nên
Tham gia vào nghiên cứu này có trường đại học California, San Francisco và Viện y học Howard Hughes.
Phần lớn những người mắc FASPS đều có cuộc sống bình thường, thậm chí có người còn tự hào là mình có thể dậy sớm hơn những người khác và hoàn thành công việc trong khi người khác đang ngủ.
Tuy nhiên một số khác lại cảm thấy lo lắng vì không hòa hợp được với những người khác trong đời sống hàng ngày. Những người bị FASPS dường như không ngủ hoặc ngủ ít hơn người bình thường - họ thường ngủ vào thời gian khác. Tiến sĩ Louis Ptacek, một thành viên nghiên cứu cho biết: "Thông thường thì họ có thể thay đổi và thu xếp công việc cho phù hợp với bệnh của mình nhưng một số người lại tỏ ra rất lo lắng vì thấy khác với nhiều người".
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 3 thế hệ của một gia đình có 5 thành viên mắc hội chứng FASPS. Những thành viên này thường dậy sớm hơn những người khác vào lúc 4h sáng. Cuối cùng các nhà khoa học thấy rằng những người này đều mang một loại gene biến đổi của gene CKIdelta, một loại gene có chức năng kiểm soát quá trình sản xuất ra một loại protein để điều tiết đồng hồ sinh học của cơ thể. Khi loại gene biến đổi này được cấy vào chuột thí nghiệm thì chúng cũng tỉnh dậy sớm hơn bình thường, giống như ở người. Tuy nhiên, khi người ta cấy loại gene này vào loài ruồi ăn hoa quả thì lại có hiện tượng ngược lại, nhịp sống ban ngày tăng lên và tỉnh giấc muộn hơn bình thường. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của loại gene này phụ thuộc vào từng đối tượng cụ thể.
Các nhà khoa học còn khám phá được thêm rằng các thành viên trong gia đình được nghiên cứu không chỉ mắc Hội chứng FASPS mà còn mắc một số bệnh khác như hen suyễn hay chứng đau nửa đầu.
Tiến sĩ Ptacek cho rằng, có thể tất cả các bệnh đó đều liên quan tới Hội chứng FASPS. Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu của họ sẽ là cơ sở để có thể hiểu thêm về cơ chế điều khiển nhịp sống hàng ngày của cơ thể.
Tiến sĩ Ptacek nói: "Khám phá về loại gene này mới chỉ giúp chúng ta hé mở được cánh cửa của một căn phòng rộng lớn nhưng nó cũng đủ để ánh sáng lọt vào và giúp chúng ta tìm kiếm những bí mật chưa biết, mà cụ thể ở đây là cơ chế sinh học của hệ thần kinh. Khi chúng ta hiểu được cơ chế hoạt động của đồng hồ sinh học trong cơ thể thì chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra cách điều trị cho các hiện tượng liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể khác chẳng hạn như ảnh hưởng của việc đi làm ca".
Tiến sĩ Ying-hui Fu, một thành viên nghiên cứu khác cho biết: "Với những kết quả đã có chúng ta có thể cho rằng nhịp sinh học có ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động hàng ngày của chúng ta. Khi loại men enzim tạo ra từ loại gene mới này có khả năng chuyển đổi nhiều loại protein thì chúng ta cũng có thể thử nghiệm ảnh hưởng của nó tới trí nhớ và khả năng học tập".
Tiến sĩ Melissa Hack, chủ nhiệm Hội những người mất ngủ ở Anh, cho biết: "Thực tế là yếu tố di truyền cũng có ảnh hưởng tới các vấn đề liên quan đến ngủ, ví dụ như một số người có thể chịu được chứng mất ngủ tốt hơn những người khác. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố có tác động tới giấc ngủ của chúng ta. Nhiều người có thể tự tìm được cách để thay đổi giấc ngủ của mình cho phù hợp và hơn nữa chúng ta cũng có thể điều trị được chứng mất ngủ với những phương pháp điều trị khá đơn giản".
Theo VTV