Để sinh con không phải đau nhiều và dễ dàng 17/01/2013
>> Vì sao phải dùng Chè Vằng ngay sau khi sinh
1. Đừng nằm ỳ mãi trên giường
Bạn rất dễ bị cám dỗ bởi việc cứ ngồi lì hoặc nằm dài ra ghế sofa trong những ngày sắp sinh. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu bạn cứ giữ những tư thế thụ động như thế, em bé trong bụng sẽ không được chuẩn bị tốt về vị trí để có thể ra đời dễ dàng.
Bạn cần điều chỉnh tư thế phù hợp vì như thế sẽ giúp bé định hình được vị trí đúng cho đến lúc ra đời. Nếu bé nằm sai vị trí sẽ dễ dẫn đến những cơn đau lưng trong suốt thời gian thai nghén, hay sau đó bạn buộc phải sinh mổ để giúp bé chào đời.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Chỉ số OFP (chỉ số đạt chuẩn khi bé nằm trong tư thế đầu chúc xuống dưới và mặt hướng vào lưng mẹ, cằm gập lại để giúp cho phần hẹp nhất của đầu bé có thể ở vị trí đối diện với cổ tử cung của người mẹ (thông thường đường kính đầu trẻ chỗ hẹp nhất là 9.5cm và chỗ rộng nhất khoảng 11.5cm).
2. Dành thời gian tham khảo nhiều hơn
Tiếp thu càng nhiều càng tốt những hiểu biết của bạn về chuyện sinh nở bằng cách thường xuyên đọc trang tin Webtretho hoặc các website hướng dẫn sinh nở, những quyển sách chuyên đề hay các lớp học dành cho thai phụ trước khi sinh.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Nghiên cứu cho thấy rằng việc hiểu rõ những gì sắp phải đối diện giúp loại bỏ nỗi sợ hãi. Biết trước những việc sẽ diễn ra có thể giúp cơ thể bạn chuẩn bị sẵn sàng, bớt căng thẳng để “vào cuộc” hiệu quả hơn.
3. Tập làm quen với cảm giác ở bệnh viện
Không gian lạnh toát ở bệnh viện có thể làm việc sinh nở của bạn bị kéo chậm lại. Theo một báo cáo năm 2005 từ tổ chức National Childbirth Trust của Anh cho biết 9/10 bà mẹ cho rằng không khí trong phòng sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh con, làm nó trở nên dễ dàng hoặc khó khăn hơn.
Nếu được bạn có thể đi một vòng tham quan trước bệnh viện nơi bạn sẽ đến sinh bé nhằm làm quen trước với không khí ở đó sẽ rất có ích đấy! Nếu bạn cho rằng ở đó mọi thứ đều thiếu thốn thì hãy mang theo một vài món từ nhà mình, như chiếc gối êm ái, quả banh tập thể dục đáng yêu hay tấm khăn bông mềm mượt, thậm chí còn có thể chuẩn bị vài món đồ uống và thức ăn nhẹ nữa, xem như là nhà mình vậy!
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Nếu bạn sợ hãi, cơ thể sẽ tiết ra một loại hooc-môn có tên là adrenaline. Chất này có thể gây cản trở nhịp độ bình thường của quá trình thai nghén, làm cơ bắp căng ra và khiến việc sinh nở trở nên đau đớn hơn. Việc làm quen với không gian bệnh viện và thư giãn khi bước vào cuộc sinh sẽ giúp cơ thể không quá căng thẳng và việc sinh nở trở nên dễ chịu hơn.
4. Điều hòa hơi thở
Hít thở đều và sâu giúp bạn giữ được bình tĩnh và cung cấp đủ khí oxy cho tử cung co thắt tốt nhằm đẩy bé ra ngoài dễ dàng hơn.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Bạn càng hít thở sâu bao nhiêu, lượng oxy lưu thông trong cơ thể càng nhiều bấy nhiêu, từ đó giúp các cơ bắp được thư giãn, thả lỏng. Khi giữ được bình tĩnh bạn sẽ “vượt cạn” thành công và ít đau đớn hơn nhiều.
5. Đi dạo chậm rãi
Đồng ý rằng vào thời điểm này việc đi lại rất khó khăn đối với bạn, nhưng tư thế đứng thẳng thật sự giúp ích cho thai phụ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ năng động thường sẽ trải qua thời kỳ thai nghén nhẹ nhàng và ít phức tạp hơn số còn lại nhiều. Cố gắng ngồi ghế, đi bộ chầm chậm bám theo bờ tường, nhờ chồng dìu bạn hoặc tập thể dục thường xuyên với loại banh dành riêng cho thai phụ.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Việc này căn cứ vào định luật Vạn vật hấp dẫn hay đơn giản là về trọng lượng. Ta có thể hiểu rằng khi bạn đứng thẳng, đầu bé sẽ được chúc xuống dưới với một lực lớn hơn, từ đó dạ con người mẹ sẽ giãn ra dần để làm quen với lúc sinh.
6. Công dụng của mát-xa
Được chồng xoa bóp, mát-xa lưng và tay chân nhẹ nhàng sẽ giúp bạn đương đầu tốt hơn với việc sinh nở. Một khảo sát gần đây cho thấy 80% phụ nữ mang thaiđược mát-xa thường xuyên sẽ không cần dụng cụ hỗ trợ hay phương án giảm đau nào trong lúc sinh cả.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Hành động vuốt ve, đụng chạm sẽ truyền xung thần kinh nhanh hơn cơn đau và giúp đóng cổng tiếp nhận thông tin vào não rằng bạn đang bị đau. Điều đó giúp vợ chồng chia sẻ với nhau để cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
7. Hít hương hoa oải hương
Dùng tinh dầu hoa sẽ giúp bạn giảm đau vả cảm thấy tinh thần thư thái hơn. Hoa oải hương là một trong những lựa chọn tốt giúp cơ thể thư giãn, xoa dịu cơn đau và hạ huyết áp. Cây xô thơm cũng là một gợi ý để điều hòa hơi thở cho cơ thể, nhưng đừng sử dụng trong những ngày sắp sinh, tác dụng của cây đặc biệt có hiệu quả trong những ngày sau sinh.
Cách này có hiệu quả như thế nào:
Tinh dầu hoa chứa một nhóm các hoạt chất hóa học được gọi là terpenes, có công dụng vừa làm giảm đau vừa giúp tinh thần thư giãn. Cây xô thơm có tác dụng lên tử cung phụ nữ mặc dù ảnh hưởng cụ thể như thế nào vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng.
8. Làm bạn với nước
Nước ấm có tác dụng xoa dịu cơ thể và giúp bạn lấy lại bình tĩnh. Nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ thường xuyên ngâm mình trong nước sẽ không cần hỗ trợ thuốc gây tê lúc sinh con. Bạn hãy cố gắng tắm thật nhiều trong nước ấm vào những ngày gần sinh (khi dạ con đã giãn ra khoảng 5cm), lắp đặt bồn ngâm tại nhà nếu có điều kiện.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Ngâm mình trong nước ấm kích thích việc sản sinh oxytocin, một loại hormone hỗ trợ sự co thắt và đẩy nhanh nhịp độ khi sinh nở. Nước ấm còn có công dụng giúp giải phóng endorphin, một loại chất giảm đau tự nhiên có trong cơ thể chúng ta.
9. Lựa chọn một bà đỡ đáng tin cậy
Biết trước và hiểu rõ về người sẽ theo sát cơn “vượt cạn” sẽ giúp làm giảm những trở ngại và gia tăng mức độ yên lòng ở sản phụ. Một vài bệnh viện còn huấn luyện cả một đội ngũ những nhân viên đỡ đẻ, cho nên cứ yên tâm đi, bạn sẽ được chăm sóc thật chu đáo!
Cách này có hiệu quả như thế nào: Tất cả các nghiên cứu đều nhận định rằng việc thấy một gương mặt quen thuộc dõi theo mình trong lúc sinh sẽ giúp thai phụ cảm thấy tự tin hơn và vượt qua được những cơn đau về thể xác.
10. Sử dụng TENS
TENS (Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation), tạm dịch là dụng cụ kích thích thần kinh bằng xung điện qua da, là một thiết bị sản sinh ra xung điện nhằm ngăn cản những thông tin “đau” được truyền về thần kinh. Bạn sẽ đeo một sợi đai vào lưng được kết nối với hộp điều khiển, sau đó có thể chủ động điều chỉnh mức độ và tần suất rung của máy.
Thiết bị sẽ đặc biệt có hiệu quả khi bạn sử dụng nó ngay từ những ngày đầu tiên mang thai, càng về sau càng tăng mức độ mạnh dần lên.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Những xung điện này giúp ngăn cản tín hiệu “đau” về não và kích thích cơ thể sản sinh ra endorphin.
11. Dùng nhiều bữa ăn nhẹ
Việc ăn uống trong quá trình sinh nở trước đây thường bị coi là điều nên kiêng cữ. Nhưng giờ đây chúng ta được khuyên nên chọn lọc và dùng nhiều thức ăn có chứa chất carbohydrate, tránh ăn những món quá béo, nên dùng nhiều chuối, bánh mì khô hoặc mì ống.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Việc sinh nở rất căng thẳng và đòi hỏi rất nhiều năng lượng, do đó những món chứa cacbonhydrate là một nguồn thực phẩm tốt giúp bổ sung glucose cho cơ thể.
12. Làm lơ đi những cơn đau
Hãy sử dụng mọi thứ có thể nhằm giúp bạn quên đi những cơn đau đó, có thể là máy TENS, một đĩa CD nhạc, bộ DVD phim cuốn hút hay vài việc lặt vặt gì đó quanh nhà.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Giúp bạn có việc gì đó để làm và quên đi cơn đau mà mình đang phải đối diện.
13. Dùng thuốc giảm đau
Còn được biết đến dưới cái tên là entonox, hỗn hợp khí oxy và ô-xít ni-tơ có tác dụng làm giảm đau. Thuốc này rất phổ biến vì có tác dụng làm mất đi cơn đau mà không ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ, nhưng hiệu quả chỉ là nhất thời mà thôi.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Entonox là một loại chất gây tê (có tác dụng giảm đau), đi vào máu và sau khoảng 60 giây sẽ phát huy tác dụng tốt nhất, nên hãy thử hít nó vào lần tiếp theo, khi cơn đau lại kéo đến hành hạ bạn!
14. Hãy suy nghĩ thật thoáng
Làm thế nào bạn biết được rằng việc sinh nở thật kinh khủng khi mà bạn chưa bao giờ trải qua điều đó cả? Đừng tự làm mình căng thẳng nếu như những phương pháp giảm đau thông thường chưa giúp ích gì nhiều, bạn nghĩ mình sẽ cần đến cả thuốc gây tê ư? Thư giãn đi, tất cả những phương án đó đều được tạo ra nhằm đem đến cho bạn điều tốt nhất mà thôi.
Cách này có hiệu quả như thế nào: Nếu bạn tự xây dựng nên cho mình một “kế hoạch sinh nở” thật cứng nhắc, rồi sau đó mọi việc lại không theo ý thì sẽ nhanh chóng bị rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí còn làm trì trệ việc sinh nở của bạn lại và khiến bạn cảm thấy thật tồi tệ. Hãy linh hoạt hơn và cứ để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, rồi bạn sẽ thấy rằng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu!
Nguồn: Webtretho